Kỹ thuật làm chuồng dê hiện đại chi tiết nhất

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn
Cập nhật: 10/26/2020 - Số lượt đọc: 4362

Dê là động vật dễ nuôi, ít bệnh và có hiệu quả kinh tế cao. Vậy bạn có biết rằng đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt phụ thuộc nhiều vào điều kiện, môi trường sống. Trong đó, chuồng trại là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn. Nếu bạn đang muốn phát triển kinh tế bằng phương pháp chăn nuôi dê thì không thể không nắm rõ kỹ thuật làm chuồng dê hiện đại.
Sau đây, Phú Hòa An hướng dẫn bà con một số kỹ thuật làm chuồng dê đang được ứng dụng rộng rãi hiện nay.

Hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng dê hiện đại, chi tiết nhất

Chuồng trại nuôi dê được làm đúng kỹ thuật không chỉ giúp dê phát triển đồng đều. Các chủ trang trại cũng dễ quản lý và chăm sóc hơn. Đàn dê không còn chịu tác động từ môi trường bên ngoài, giảm dịch bệnh và vi khuẩn xâm nhập lây lan. Ngoài ra, chuồng nuôi đúng kỹ thuật còn tận dụng được chất thải vật nuôi làm phân bón hữu cơ, giảm ô nhiễm môi trường.

Những nguyên tắc chung khi thiết kế chuồng trại

Hướng làm chuồng

Hướng chuồng dê tốt nhất nên làm hướng Đông và Đông Nam. Chuồng trại luôn được ấm về mùa Đông, tránh được gió mùa Đông Bắc, dễ che chắn gió lùa. Vào mùa hè chuồng được mát mẻ, tránh gió lào thổi và ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào chuồng.
Chuồng hướng Đông Nam sẽ tốt nhất. Ánh nắng buổi sáng chiếu nhẹ kích thích đàn dê phát triển và tiêu hóa tốt. Dê lớn nhanh, chuồng cũng khô thoáng và hạn chế vi rút, vi khuẩn gây bệnh.
Nếu gia đình nào không thuận lợi khi chọn hướng chuồng cần tính toán để có lựa chọn phù hợp nhất. Vừa tận dụng được các điều kiện thuận lợi của tự nhiên vừa hạn chế yếu tố bất lợi từ thời tiết.

Vị trí làm chuồng

Dê là động vật ưa môi trường cao ráo, thoáng mát. Chuồng nên xây cao cách mặt đất 60-80 cm.
Chuồng dê không nên làm gần nhà, tránh đường đi, các khu nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, sông ngòi,... tránh ô nhiễm môi trường sống. Mặt khác cũng không nên làm quá xa vì khó chăm sóc và quản lý.

Vật liệu làm chuồng

Nếu quy mô nhỏ, bà con có thể dùng những vật liệu sẵn có từ địa phương như tre, nứa, lá dừa, lá tranh,... để làm chuồng.
Quy mô lớn hơn, nuôi dê công nghiệp bà con đầu tư xây gạch, bê tông, dùng tấm lợp, lưới thép,... Đảm bảo chuồng trại luôn được chắc chắn, chịu lực tốt.

Những kiểu chuồng dê phổ biến hiện nay

Chuồng dê ở nước ta được thiết kế dựa theo quy mô bầy đàn và địa hình nên có rất nhiều kiểu chuồng khác nhau. Cụ thể, chuồng nuôi dê có:
- Chuồng trệt không chia ngăn.
- Chuồng sàn không chia ngăn.
- Chuồng sàn có chia ngăn.
- Chuồng riêng lẻ (chuồng đơn)
- Chuồng nhốt chung trong một khu rào.
Kiểu chuồng nuôi phổ biến nhất hiện nay có chuồng sàn không chia ngăn và chuồng sàn có chia ngăn.
Với kiểu chuồng chia ngăn áp dụng khi nuôi dê lấy sữa, dê hậu bị và nuôi dê con. 
Còn chuồng không chia ngăn thường áp dụng để nuôi dê lấy thịt.

Chi tiết kỹ thuật làm chuồng dê hiện đại

Sàn chuồng

Do sàn chuồng cách nền bên dưới từ 50 - 70cm nên phía trước gầm chuồng (mặt trước) cần làm hàng rào chắn chạy ngang qua, có thể đóng hàng rào chắn bằng gỗ hoặc tre, không yêu cầu quá cao. 
Để làm sàn nuôi dê bà con thường sử dụng những vật liệu quen thuộc như: Gỗ, tre hay sàn nhựa.
Điều kiện đầu tiên khi làm sàn chuồng dê là tất cả các loại sàn khác đều cần làm bằng phẳng. Sàn cách nền 50 - 70cm. Tất cả các vật liệu làm sàn đều cách nhau có độ hở nhất định.
Với sàn gỗ bà con lựa những thanh gỗ phẳng, nhẵn mịn. Gỗ bản rộng 2,5 x 3cm và xếp lại gần nhau. Mỗi tấm cách nhau 1 - 1,5cm đủ độ rộng để lọt chất thải mà vẫn không lọt chân dê.
Nếu làm sàn chuồng bằng tre bà con nên chọn cây tre thẳng, cho cật tre hướng lên làm mặt trên. Sàn sẽ trơn phẳng thuận lợi khi thoát chất thải, tránh đọng phân hay nước thải.
Còn sàn nhựa hiện nay mới nở rộ khoảng 2-3 năm gần đây. Sử dụng những tấm nhựa lót chuồng được sản xuất sẵn lắp ghép vào với nhau. Sàn nhựa nuôi dê tổng hợp được cả những ưu điểm của hai loại sàn gỗ và sàn tre. Những tấm nhựa bằng phẳng được sản xuất sẵn, việc lắp ghép hay tháo dỡ đều rất nhanh gọn. Từng tấm nhựa riêng cứng cáp ghép thành khối vững chắc, tải trọng cao, sử dụng được lâu dài.
>>> Bạn có thể tham khảo thêm về sàn nhựa nuôi dê tại: Bóc trần tấm nhựa lót sàn chuồng dê

Khung chuồng

Làm khung chuồng dê sử dụng tre, gỗ đảm bảo độ kiên cố, chắc chắn.
Chân trụ cho chuồng cần làm chắc chắn bằng gạch trát xi măng. Chiều cao chân trụ khoảng 50 - 70cm. Làm chuồng cao ráo tránh ẩm mốc, mối mọt hay những tác động từ thời tiết.

Mái chuồng

Làm mái chuồng đạt các yêu cầu: Cao vừa phải tránh gió lùa, thoáng, dễ thoát nước, nhô ra ngoài thành chuồng ít nhất 60cm tránh mưa hắt hay nắng chiếu trực tiếp vào.
Bà con thường lựa chọn những vật liệu để làm mái chuồng như: Lá cọ, lá tranh, lá dừa, lợp ngói hay fibro xi măng.

Thành chuồng

Để làm thành chuồng dê bà con thường sử dụng những vật liệu như: Tre, luồng, thanh gỗ, xây bằng gạch, dùng lưới sắt B40 quây xung quanh.
Thành chuồng làm cao ít nhất 1,2 - 1,8m. Các nan cần giữ khoảng cách 6 - 10cm để dê không chui qua.
Làm thành chuông chắc chắn, bề mặt nhẵn mịn để không làm dê tổn thương, xây xước. 

Cửa chuồng

Những yêu cầu cần đạt được khi làm cửa chuồng là dễ đóng mở, độ rộng phù hợp với kích thước đàn dê (nhất là dê đang mang thai).
Cửa chuồng thường làm rộng 60 - 80cm, cao 1-1,2m. Bộ phận này cũng sử dụng tre, gỗ để làm.
Ngoài ra, vì chuồng cao nên bạn có thể làm bậc thang lên xuống riêng hoặc làm cửa và cầu thang lên xuống.

Nền chuồng

Bên dưới chuồng láng xi măng phẳng có độ dốc 3 - 5% nghiêng về hướng cống thoát chất thải vật nuôi.
Mặt khác, để xử lý chất thải hiệu quả, bà con nên xây thêm hố ủ phân hạn chế ô nhiễm môi trường. Chất thải vật nuôi qua xử lý chính là nguồn phân bón hữu cơ tốt cho cây trồng.

Máng ăn, máng uống

- Máng để thức ăn thô nên treo bên ngoài vách ngăn có chiều cao vừa tầm 35 – 50cm phù hợp đàn dê đưa đầu ra ngoài khi ăn. Đáy máng khoảng 20 - 30 cm, thành ngoài khoảng 30 – 40cm, thành trong khoảng 20 – 30cm. Chiều dài máng tùy vào từng kiểu chuồng.
- Máng để thức ăn tinh nên dùng xô chậu hoặc gỗ ván kín, chắc chắn không dễ nứt vỡ.
- Máng uống cho dê thì bà con có thể dùng xô chậu gắn chặt vào vách chuồng. Ngoài ra, bà con cũng có thể đặt lu lớn ngoài sân chơi cho dê uống.
Trên đây là những kỹ thuật làm chuồng dê hiện đại, chi tiết nhất từ Phú Hòa An. Hi vọng sẽ giúp bà con có thêm những kinh nghiệm hữu ích phục vụ công tác chăn nuôi hiệu quả. 

DANH MỤC SẢN PHẨM

ĐỐI TÁC

sản phẩm bán chạy
hỗ trợ trực tuyến

Video

THỐNG KÊ

Lượt truy cập: 14237047
Đang online: 35